Trang kỷ niệm

một thời ĐỒNG KHÁNH 

Kỷ niệm của chị Vương Thúy Nga

(trang 14)

   Thầy Âu “bị” hay “được” học trò sợ nhất và cũng gần gũi nhất. Chúng tôi gặp Thầy vào những năm học của các lớp đệ Tứ (1954) với môn Toán, đệ Tam B với môn Toán và Lý Hóa và đệ Nhị B với môn Pháp văn sinh ngữ 1.

Thầy đưa vào lớp học một không khí sôi nổi, có khi ngộp thở vì cách điều hành lớp học và cho điểm của Thầy. Lên bảng làm Toán giờ Thầy, nếu muốn ghi dấu cộng (+) mà còn chần chờ thì Thầy cho đó là dấu trừ (-) và nếu dấu trừ ở đó là sai thì được 1 con số không (zéro) trong sổ ngay ! Trong giờ Pháp văn của Thầy, muốn đứng lên “ý kiến” hay “kiện tụng” thì phải nói bằng tiếng Pháp, nếu mà theo thói quen mở miệng là “thưa thầy” sẽ bị Thầy quát ngay : “Parlez en français, mademoiselle!”. Có nhiều người hoảng hồn quên luôn câu đã soạn sẵn để “kiện” Thầy !

Sau khi học xong ra trường, nếu ai viết thư cho Thầy thì Thầy sẽ trả lời ngay, vừa trả lời, vừa dạy bảo, vừa tâm sự v.v… học trò nào cũng kính mến Thầy nhiều hơn cả khi đang còn học với Thầy.

 

Kỷ niệm của chị Ngô Thị Ấn

(trang 51, 52)

   Thầy Phạm Kiêm Âu : ba năm đệ II cấp, năm nào cũng học Pháp văn với Thầy Âu. Năm đệ II thầy Âu bắt mỗi trò phải nộp 1 hình 2x2cm để thầy dán vào bản đồ lớp.

Sau 30-4-1975 vì thời cuộc, tôi trở thành một công nhân đóng sổ thuê, phó chủ sản xuất là em gái tôi Ngô Võ San, cũng là học trò thầy Âu. Thỉnh thoảng thầy mang giấy tới, thuê chị em tôi đóng sổ. Chúng tôi phải lựa hàng đặc biệt để đóng cho thầy, và tính tiền công cũng phải khác thiên hạ. Thầy khen đóng đẹp mà rẻ. Thầy ơi ! Khi đó con quá khốn cùng, không có cháo cho con ăn nên phải lấy tiền công đóng sổ của thầy dù trong lòng con vẫn nghĩ ơn thầy vời vợi !

Năm 1992, trước khi rời Việt Nam, Thúy Nga ra Huế có rủ tôi lại thăm thầy. Lúc đó thầy đã yếu rồi, nói rất nhỏ nhưng trí nhớ còn tốt. Thầy mở vở ghi danh sách và bản đồ lớp IIB, chỉ cho tôi coi hình mình ở đâu trong bản đồ !

Thầy Âu là người rất đa cảm.

Năm đệ nhị, thầy giảng bài “L’exilé” mà đỏ hoe con mắt ! Năm đệ nhất thầy giảng mối tình giữa Don Rodrigue và Chimène thì cũng thấy kiếng thầy ướt.

Vì học Pháp văn với thầy liên tiếp trong ba năm nên ảnh hưởng của thầy lên tâm hồn con khá đậm.

Năm 1969 con sang Hoa kỳ vì chồng con du học bên đó. Buổi tối con mới đi học Anh văn. Ban ngày chồng lái xe đi học, con không có xe mà đi, vả lại có xe con cũng không biết lái ! Ngày ở nhà một mình, xung quanh toàn là Mỹ cho nên câu “L’exilé partout est seul”  và câu “La Providence a … attaché le pied de chaque homme à son sol natal” mà thầy giảng từ 9, 10 năm trước cứ hiện ra trong đầu con.

Và cái quê hương “Le sol natal” của thầy đã khiến con tự ý rời Mỹ về Việt Nam.