Trang Kỷ niệm



Thầy Phạm Kiêm Âu
                                                                        Phan Mộng Hoàn

Các bạn Đồng Khánh của con và con, là những học trò rất thương yêu, kính trọng thầy hôm nay vô cùng đau đớn trước hung tin: THẦY KHÔNG CÒN NỮA.
     Trưa hôm qua giữa lúc tôi đang hí hửng ngồi ghi lại mấy dòng nghịch ngợm để gửi cho chị Quế H. bên Houston kể về những vui buồn khi trở lại thăm Huế. Bỗng phone réo gay gắt... Thầy Hồ văn Lê kêu tới báo cho tôi tin dữ: Thầy Phạm Kiêm Âu đã qua đời ngày 10 tháng 9 năm 1994 tại Huế hưởng thọ 76 tuổi.
     Tự dưng tôi không còn chút chi hứng thú để viết nữa. Mắt mờ đi và những ngón tay run. Buồn lặng người trước việc ra đi đột ngột của vị thầy mà bất cứ ai từng là học trò của thầy lại không vô cùng đau xót. Tôi vội vàng gọi đi khắp nơi tin cho các bạn. Đứa mô cũng sửng sốt. Tường Nhi cây "sơ mi" môn Pháp văn của thầy góp ý kêu Nhã Ca tập hợp càng nhiều càng tốt tên cả bầy ĐK đăng cáo phó khóc thầy. Lứa ĐK 60 của tụi tui tản mác khắp nơi trên thế giới như Na Uy có Tường Ngọc, Kim Cương, Bỉ có Ngọc Thanh, Đức có Thái Kim Lan, Canada có Thu Tâm, CTTN Tình, Trương Mỹ Vân... Nhưng nhiều nhất tập trung ở Nam và Bắc Cali, rồi Texas, Virginia, New York, Philadelphia... Nói chung chổ mô có người Việt là có dân ĐK tức là ở đó có học trò thầy Âu.
     Hiếm có một vị thầy nào trên đời này lại được môn sinh kính trọng và nhất là luôn nhắc nhở đến như Thầy Âu đã từng được.
     Riêng phần tôi đã có quá nhiều kỷ niệm đáng nhớ về thầy. Và hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn ĐK của tôi nghe coi như tụi mình đến với nhau, đốt nén nhang thơm trước bàn thờ thầy.
     Hè năm 1956 tôi chuyển từ trường Jeanne d'Arc qua học Mai Khôi. Lý do Tây kéo về nước nên dần dần chương trình học tiếng Pháp cũng bỏ bớt. Năm đó tôi đang ngồi lớp đệ ngũ, khổ sở vì không hiểu mô tê chi về hình học. Nguyên lúc học cinquième tôi chỉ được học mỗi Algèbre mà thôi. May các xơ MK đã chịu khó mời nhiều thầy cô giỏi tới dạy. Như cô Nguyễn thị Thu từ ĐK qua, dạy toán rất dễ hiểu năm đầu tiên tôi học chương trình Việt. Nên nhờ rứa tôi lỏm bỏm làm quen được một số khái niệm về hình học. Nhưng phải đợi tới khi học Hè với một ông thầy người Nam kỳ tôi mới thở phào sung sướng.
     Thầy đó là giáo sư Phạm Kiêm Âu. Thầy quê ở tận Sadec, hình như vì lý do chính trị nên bị đày biệt xứ. Tôi nghe nói hồi thực dân Pháp chiếm Nam kỳ làm thuộc địa, chàng thư sinh Phạm Kiêm Âu từng tham gia phong trào của trò Trần văn Ơn cầm đầu; đã xuống đường, biểu tình, bãi khoá rất hăng say ở Sàigòn. Rồi bị bắt, bị nhốt vào khám Catinat... Cuối cùng thì lưu đày ra tận Huế. Ở xứ Thần Kinh thơ mộng chàng trai họ Phạm đã lọt vào mắt xanh cô tiểu thư Mỹ Đàn xinh đẹp.Chỉ trong thời gian ngắn "người tù" thư sinh ấy đã nổi tiếng là một giáo sư dạy giỏi thuộc loại số 1 của Huế. Theo thiển ý của tôi thì ít ra đó cũng là một thái độ biết dùng người giỏi đáng khen của chính quyền Ngô đình Diệm.
     Gần như hồi đó các trường tư đều đua nhau mời cho được giáo sư P.K.A. về trường mình dạy để lôi cuốn học trò các nơi kéo tới. Hè năm 56 tôi đã ghi danh môn toán lớp đệ tứ của thầy, mở tại trường Thanh Long nằm trên đường Hàng Bè cạnh bờ sông Đông Ba. Tuy là học hè nhưng không khi mô tôi dám di trể. Ông thầy toán người Nam coi bộ khó giởn mặt. Đừng vội dòm bề ngoài hiền lành của ổng mà coi thường kỷ luật. Ổng sẽ thẳng tay đuổi bạn ra khỏi lớp ạ. Mới học chưa đầy hai tuần lễ mà tôi đã làm bay những bài hình học thuộc "dòng họ" Pythagore. Và vui sướng tự thấy mình mê học toán quá chừng. Thầy Âu có lối giảng bài rất có duyên. Thầy ưa pha trò chọc cho mọi người quên mệt mỏi. Huế vào tiết tháng 7 tháng 8 nóng như thiêu đốt, rứa mà giữa trưa từ 2 đến 4 giờ tụi tui đứa mô cũng thấy thời gian qua lẹ hết sức. Ngay từ buổi học đầu tiên thầy đã khám phá ra chất "quậy" của tôi. Do đó tôi luôn bị cây thước gổ dài 2 mét mà thầy ưa cầm trên tay sẳn sàng chiếu tướng để "thụt bi da". Chỉ trong vòng 2 tháng hè mà những đứa dốt toán có hạng như tôi, và nhất là bà chị M. Hoà của tôi, rửa sạch mặc cảm ghét cay ghét đắng môn toán géométrie!
     Tôi nhớ hồi đó thầy ưa cởi chiếc xe đạp đuyara sáng loáng có màu sơn ánh bạc qua cây cầu Trường Tiền. Hai chị em tui thường bỏ giấc ngủ trưa, cong đuôi phóng xe như điên để đến trường sớm. Nhưng khi mô cứ gần tới chân cầu Đông Ba thì đàng xa đã thấp thoáng hiện ra bóng người Hiệp sĩ. Thầy đạp xe thong thả, cái lưng thẳng hơi chồm về phía trước, hai vai ngang và cứ rứa mà băng băng đều đều hướng đến trường.
     Con người ấy nổi tiếng "rếch lô" về đủ mọi phương diện.
     Hết hè 57 tôi vào đệ tam ĐK. Các giáo sư lạ hoắc may còn có cô Thu dạy toán nên mình đỡ ngỡ ngàng. Lên đệ nhị thì tôi mừng hết lớn vì gặp lại thầy Nam kỳ nhưng không phải vào giờ toán mà là ... Pháp văn. Tôi thấy sau màn kính lấp loáng mắt thầy reo lên như thầm chào hỏi người học trò cũ là tôi. Cả lớp trừ những chị học lớp đúp vì rớt tú tài bán, chỉ có tôi là kẻ đã từng được nếm mùi kỷ luật hắc búa của thầy Âu. Trong giờ học đầu tiên, thầy nói về nội qui đặc biệt do thầy độc quyền soạn thảo cho những ai "lỡ dại" vô học lớp thầy. Cả lớp im lặng nghe, cố nhớ cho hết luật lệ "kỳ quái" mà giáo sư Pháp văn đang thao thao bất tuyệt đề ra ở trên kia. Nhưng chắc chắn ít kẻ thoát được tai nạn luôn rình sẳn để chụp xuống đầu  mình.
     Khó mà quên được những kỷ niệm khi học với thầy Âu. Thoạt tiên mỗi người phải nộp một cái ảnh cở 4/6 của mình. Thầy gợi ý không bắt buộc là ảnh căn cước nghiêm trang mà có thể cười chúm chím hay toét miệng nhăn răng. Ảnh có thể cắt ra từ một chiếc lớn khác miễn có đủ cả đầu với tóc tai mặt mũi là được. Kết quả sau đó tụi tui mỗi đứa có một tấm ảnh chung gồm thầy P.V. và hết thảy dân số của lớp mình. Ai ngồi đúng vị trí nấy. Nhờ sáng kiến bảng đồ lớp đó mà về sau này khi rời khỏi trường xa lớp; cuộc đời thăng trầm dâu biển, mỗi khi tình cờ dở lại ảnh cũ, lòng tôi rưng rức tiếc thương quãng thời gian sung sướng hồn nhiên nhất của một đời người.
     Tôi có đến hai cái bảng đồ lớp. Một cái của năm 2A. Một cái của năm 2A1. Lý do dễ hiểu tôi là dân mà Tú Xương vẫn cảm khái:  Học đã sôi cơm nhưng chửa chín
                                      Thi không ăn ớt thế mà cay
     Thói thường dân đúp lớp ưa chán nản vì suốt năm phải làm động vật ăn cỏ "nhai lại" những cái mình đã học niên khóa trước. Nhưng riêng giờ Pháp văn thì không bao giờ xảy ra tình trạng đó. Cả lớp dù dân lính mới tò te hay ma cũ ỉu xìu đều mở to mắt nhìn chòng chọc về phía bàn giáo sư. Ai nấy căng tai ra nghe lời bố già trầm bỗng tha thiết... Đúng thế bởi vì bạn phải tế nhị lắng nghe. Hai năm liền mà tôi vẫn không sao chán nghe những tình tiết cảm động về tình cảnh éo le, gay cấn của hai cha con người tử tù Jean Van Jean mà thầy đang kể về tác phẩm bất hủ Les Misérables của đại văn hào Victor Hugo. Say mê khi nghe kể chuyện đã đành nhưng cả khi thầy hướng dẫn kỷ thuật viết văn nữa.
     Đố ai quên được khúc phim linh động nhà đạo diễn P.K.A. đang chiếu dù chỉ bằng giọng nói truyền cảm. Thầy lưu ý cho chúng ta về nghệ thuật sử dụng điệp từ bằng dẫn chứng đoạn văn mở đầu của cuốn tiểu thuyết "Đôi Bạn" của Nhất Linh. Bạn đã nhớ ra rồi phải không? Tiếng thầy ngân cao, thêm ánh mắt long lanh những giọt lệ khóc vay kiếp sống ngắn ngủi của loài cỏ cây và một cánh tay thầy đưa lên vẽ vời đường bay của chiếc lá vàng lìa đời. Rồi âm điệu chùng xuống và ngắt quảng khi nhà camera của chúng mình chiếu tới cảnh lá rụng chiều thu... Tôi thì khó mà dằn được xúc cảm trước hình ảnh hai chị em nhỏ bé cơ khổ ấy. Trong bóng chiều chập choạng, giá rét cuối thu da diết thế kia mà chúng vẫn reo lên cầu khẩn: ..."Lạy trời gió lên! Lạy trời gió lên!" Cũng chính với vị thầy Pháp văn mà tôi vở lòng yêu mến văn chương tiếng Việt.
     Hồi hộp muốn đứng tim luôn là giờ thầy trả lại bài luận mà bạn đã làm tại lớp tuần trước. Đứa mô được kêu tên trước là đứa nấy tới số. Không bị điểm âm nghĩa là dưới số 0 thì cũng nằm "bệnh viện" vì bạn hoặc chống gậy tức gia tài 1 point, hoặc đi cà nhắc bởi lảnh 1/2 point! Rất hiếm hoi tôi nằm trên diểm trung bình. Lý do bị mắc nợ thầy. Nhưng than thở mà làm chi, 80% chúng mình đều nhất trí tôn thầy làm ông chủ nợ khắc nghiệt nhất trên cỏi thế gian này rồi mà! Mỗi lần dơ ra một bài độc đáo là chi thầy cũng reo lên tở mở và khổ chủ chỉ còn biết đau khổ ngấm ngầm. Bạn, nếu lần trước đã vấp một lỗi mô đó về grammaire hay dictée, đến lần kế tiếp mà còn cả gan tái phạm thì yên chí đi, bạn sẽ được vô tù ngồi với tội danh là "fautes signalées" ạ. Nếu những lần sau nữa mà bạn lần đân không chịu chừa tội thì cứ việc tính bằng cấp số nhân đương nhiên đời bạn sẽ úa dần trong cõi "âm"! Bởi vì không những lãnh con zéro, bạn còn thêm tội mắc nợ! Nói tóm lại cuốn sổ "Đoạn Trường" của thầy không khi mô biết mệt để chịu bỏ sót một chi tiết nào của đời bạn.
     Hôm kia tôi vừa mới nhận thư Sơn từ Virginia gửi qua. Sơn đã khóc vì thương thầy. Năm 2A hắn có biệt danh là Sơn "xách guốc". Nhà hắn ở gần cầu Đông Ba, đối diện xeo xéo với quán bánh khoái lừng danh thời Huế 55-60. Sơn không biết đi xe đạp nên thường lết bộ hay leo xe buýt đậu ở góc chợ Đ.B và cầu Gia Hội để tới trường. Dù ở xa Sơn không khi mô trể học. Nhưng ma bắt, thần lôi răng không biết, một hôm vô phước cho hắn là khi hắn vừa tới của lớp thì đúng lúc bóng thầy đã sừng sửng án ngử. Hắn khóc òa ngon lành, miệng thì méo xệch và tôi thấy một tay hắn dơ cao với đôi guốc mộc màu trắng đã đứt quai nhựa trong! Sau đó thầy vội vàng lôi cuốn Nhật Ký của toàn thể chúng mình ra ghi ngay "sự cố" đặc biệt hôm đó chổ ô giấy dành cho Sơn. Nhưng may cho sơn, hắn không bị đuổi ra khỏi lớp như kỷ luật mà thầy Âu từng thi hành bấy lâu nay. Sở dĩ có ngoại lệ như rứa là vì ngay từ phòng giáo sư thầy đã chứng kiến cảnh trò Sơn ôm cặp chạy hớt hơ hớt hãi như thử bị ma đuổi. Thầy động lòng "trắc ẩn" vì còn thấy trò Sơn ngã bổ sấp ấy đã vội vàng chỗi dậy xách guốc bởi quai đứt và chạy tiếp ...
     Riêng tôi cũng có lần được ân xóa tội "vào lớp sau giáo sư: hors de la classe - khỏi học". Lý do một bữa đẹp trời từ sớm tửng bưng tôi ôm sách vở ra sau vườn ôn bài vì sắp thi tới nơi. Vô phước tôi bị cặp ngổng nhà rượt chạy có cờ (ngày thường mấy thằng em nhỏ của tôi ưa ném đá nghịch nên oan cho tôi đã bị tụi hắn trả thù). Tôi trượt té trán u một cục bằng trứng gà và cằm sứt miếng phải bôi thuốc đỏ. Tuy tay chân lành lặn nhưng tôi không chịu đạp xe đi học một mình vì lúc đó đã quá giờ Pháp văn; má tôi đành ngồi xích lô theo con gái tới trường ĐK. Bà áp tải tôi vô tận lớp và làm nhân chứng lẩn luật sư "biện hộ" với "quan tòa" xin cho tôi được "trắng án", Má Mộng Hoa của tôi và thầy vốn là bạn thân nhưng nếu không đích thân tới thì chắc chắn Bao đại lão gia của lũ học trò ĐK. sẽ thẳng tay trừng trị đích đáng! Tất nhiên là sau đó tôi được thầy khoái chí cho vô sổ "bụi đời": ngày... tháng... năm... Mộng Hoàn trể học vì... ngổng rượt. Và kỷ niệm ấy đúng 30 năm sau còn được thầy tôi thú vị nhắc nhở hôm tôi cùng bầy bạn thân ĐK lưu lạc ở Sàigòn kéo nhau đến thăm thầy hôm thầy từ Huế vô thăm bà chị ruột ở Tân Sơn Nhất.
     Thầy Âu ưa phạt nặng lỗi viết tắt. Khi trình bày tờ giấy thi đứa mô lở ghi "kỳ thi 1 L.C.N." chẳng hạn là lập tức bị trừ lần đầu 2 điểm, lần sau tái phạm trừ 4 điểm cứ như rứa mà lũy thừa lên thử hỏi làm răng tụi tui không dễ dàng bị âm điểm. Thầy lý luận người đàng hoàng chữ viết phải ngay ngắn, và phải viết đầy đủ. Thầy nghiêm trang đưa ra ví dụ: "tôi sẽ không bao giờ bước chân vào một tiệm hớt tóc nếu đọc thấy bảng hiệu đề bên ngoài: ở đây có HỚTÓC. Tôi dại gì đưa cổ ra cho ông thợ cạo chém đứt đã chứ!... Thầy kể đến đó vừa diễn nghĩa bằng bàn tay đưa ra và phạt mau ngang cổ như muốn trảm thủ. Rồi sau cái trợn mắt tròn xoe kiểu Trương Phi giận dữ trên cầu Trường bản ấy, thầy tôi phá ra cười ha hả. Rứa là được dịp cho cả lớp tụi tui đua nhau kéo dài giây phút vui đùa thoải mái vốn rất hiếm hoi xảy ra ấy.
     Bạn nào lỡ quên ghi ngày tháng ở đầu bài, bạn ấy trở thành thi sĩ và trên kia thầy đang nhún vai rất tây, hai tay dang ra thốt kêu: "hélas!" "ôi! thời gian là vô nghĩa với thi sĩ". Dĩ nhiên bạn vẫn bị trừ điểm như thường.
     Thầy tôi rất khắt khe về việc dạy học ở lớp đã đành, thầy còn chu đáo bày vẻ cho chúng tôi nhiều điều cần thiết về đời sống thường nhật. Đi học phải đúng giờ là chuyện đương nhiên nhưng muốn được như rứa bạn phải tính toán kỷ càng. Thầy khuyên nên tiên liệu cả những điều bất ngờ có thể xảy ra: bánh xe bể lốp cho tụi đi xe máy (hồi đó tụi mình quen kêu xe đạp là xe máy phải không các bạn?). Trể xe buýt và đứt quai guốc như cas đặc biệt của bạn Sơn. Hoặc trượt chân trên bến đò Thương Bạc cho các bạn xài lô ca chân ở miệt Thành Nội...
     Thầy tôi thường dặn dò bọn nữ sinh chúng tôi bí quyết hạnh phúc gia đình. Phải luôn tươi vui nhẹ nhàng. Rồi thầy pha trò: các trò thấy đó cầu Tràng Tiền đã bắt đầu hư không phải vì sức nặng của số người và xe cộ đi qua, mà chỉ vì cái mặt nặng nề của một số đàn bà đó thôi!
     Tuổi nhỏ ưa làm chuyện ngược đời. Một buổi sáng mùa xuân đẹp trời nọ, tôi và bạn Nguyễn thị Bút (đã qua đời tại SàiGòn vào cuối năm 1992) hai đứa đang thủng thẳng đạp xe ngang qua câu lạc bộ Bơi Lội thì chợt bóng thầy Âu xuất hiện. Hai đứa dòm nhau rồi không hẹn cùng ra sức phóng xe kiểu 2 cua rơ vào chặng đua nước rút và đạp như bay tới trường Đồng Khánh; dĩ nhiên là bứt qua mặt chiếc Mobylette hiền lành của vị giáo sư cẩn thận là cái chắc. Sau giờ ra chơi vô là đến giờ Pháp văn. Thầy tôi giảng ngay một bài moral về luật đi đường, về những tai nạn nguy hiểm chết người do chay xe nhanh gây ra. Và thầy kết luận: chẳng thà trể học mà an toàn hơn là nhanh mà bất an! Trong khi Bút úp mặt trên bàn tỏ vẻ ăn năn thì tôi giơ tay xin phát biểu ý kiến:
     - Thưa thầy, con chẳng thà chết hơn là bị trể học!
     Rầm! Rầm! Thầy giận dữ vổ mạnh cây thước gổ xuống bàn rồi vừa chỉ tay hướng ra cửa lớp thầy vừa thét như sấm:
     - M.H. hors de la classe!
     Tôi choáng người và tái xanh mặt trước hình phạt nặng nề và bất ngờ đó. Bởi từ thủa cắp sách đến nay đây là lần thứ nhất trong đời tôi được hưởng mùi bị bị đuổi học. Tôi lủi thủi ôm cặp đi xuống ngả préau, buồn thúi ruột. Ngó quanh sân trường vắng hoe, hành lang dài hun hút và hàng phượng ngoài kia xanh xao, dòm tôi lạnh lùng như ghét lây đứa học trò thiếu nết na này. Giờ phút ấy tôi bỗng thấy cô đơn cùng cực. Thiếu thầy thiếu bạn là nỗi khổ tâm lớn lao nhất của kiếp làm học trò. Tôi liền lôi từ trong cặp táp lấy ra một tờ giấy đôi và sau đó viết một lá thư thiệt xúc  động tỏ lòng ăn năn hối hận đã làm buồn lòng thầy vì những hành vi và lời lẽ thiếu suy nghĩ chín chắn của mình.Tôi đã nhờ cô con gái bác cai Đệ mang bức tâm thư dày kín 4 trang giấy đó lên lớp 2A của tôi cho thầy Pháp văn. Và cũng bởi vì đau khổ quá nên sau đó tôi phải giải khuây bằng cách hối lộ bác cai mua một đống kẹo chanh để ngậm cho đỡ buồn và để được bác cai cho phép thay bác làm nhiệm vụ báo giờ tan học. Tôi giang tay đánh mạnh chiếc dùi gổ lên mặt trống căng thẳng, âm thanh dòn dả reo vui như lòng tôi đã tìm lại được niềm vui lúc ấy. Các bạn yêu mến, các bạn phải cám ơn tôi đi bởi vì trưa hôm bãi học đầy kỷ niệm đó con nhỏ M.H. tinh quái này đã dộng trống cho toàn trường về sớm hơn 15 phút đồng hồ!
     Kèm trong lá thư đề ngày 11 tháng 11/1991 từ Huế thầy tôi đã gửi sang cho tôi một bảo vật: lá thư ngày xưa của đứa học trò ngổ nghịch viết từ préau. Tôi đọc thấy dòng đầu ghi ngày mồng 06 tháng 01 năm 1959... Tôi đã khóc vì cảm động. Kỷ niệm thời thơ dại dần hiên ra trước mắt. Nhìn tờ giấy trắng loại giấy vở học trò giờ đây đã ủ vàng vì thời gian, nét chữ nắn nót kể lể nỗi niềm ân hận của cô bé học trò trang trải đều lên lòng giấy trắng; tôi càng ngậm ngùi thương tiếc chuổi ngày vàng son khi mình còn hồn nhiên vui sống giữa bạn bè và thầy cô yêu quí. Mới đó thoáng chốc đã hơn 30 năm trôi qua. Bạn có ngờ được không thầy đã giử gìn cẩn thận kỷ vật nhỏ bé ấy cho tôi sau từng ấy năm tháng thăng trầm dâu biển.
     Bất cứ học trò nào nếu đã chịu khó viết thư thăm thầy thì chắc chắn sẽ nhận được thư thầy trả lời. Những lá thư ấy thường dày cộm hàng chục trang với nét chữ nhỏ li ti như chân kiến. Thầy tôi đã tỉ tê kể chuyện: đủ thứ chuyện buồn vui xảy ra ở quê hương xứ Huế của chúng mình. Và qua những trang thư trĩu nặng tình cảm ấy nhiều khi thấp thoáng hình ảnh dễ thương lúc thiếu thời của thầy. Tôi xin trích đoạn nguyên văn thư của thầy:
     "Lúc tôi còn ở tiểu học, trong giờ thể dục hay có cuộc nhảy dây. Hai bạn cầm dây nịt mỗi bạn một đầu dây, căng dây chạy vào các bạn đang sắp hàng. Dây tới là ta phải nhảy để dây đi qua. Hởi ôi! tôi không nhảy qua được, mà lại rớt xuống quá nhanh (phải chăng đó là hình ảnh cuộc đời tôi?) thân tôi rơi xuống lúc dây còn ngang tôi, chân tôi vấp, tôi bổ, bất tỉnh. Từ đó thấy dây là tôi sợ rồi (chắc sợ hơn ai bị ngổng rượt, sợ ngổng!).
     Vào trung học, giờ thể dục cũng hay có: nhảy cao và phóng lên ngựa.
     Nhảy dài và nhảy cao. Nhảy dài tôi không lo... chỉ nhào lên rất khỏe.
     Nhảy cao là ... đại họa. Một cây sào đặt ngang 2 trụ gổ, có ghi décimét... sào sẽ đặt cao lên dần mà tôi thì 5 dm cũng không qua nổi! Lắm khi tôi cũng lấy đà rồi phóng lên nhưng... chân đá bay mất sào hoặc tay chụp vào sào lao đi mà thôi!
     Còn khi nhảy lưng ngựa... một con ngựa gổ không đầu. Học sinh phải đứng sau lưng ngựa, hai bàn tay chụp mông ngựa rồi phóng lên ngồi trên mình ngựa. Không bao giờ tôi làm nổi động tác nầy. Cũng có vài bạn sợ nhảy qua sào hoặc lên ngựa như tôi.
     Một lần nọ sáng ngày mai là thi thể dục kỳ thi I lúc cá nguyệt. Nên tối hôm trước một đứa bạn rủ tôi thừa lúc không ai để ý, đó là lúc lộn xộn học sinh sửa soạn lên lầu ngủ, hai đứa lẻn ra sân rồi mau lẹ bẻ gảy cây sào nhảy cao, không quen xô cho con ngựa gổ té ngửa, làm gảy mất một chân của nó! Tất nhiên sáng hôm sau ông thầy thể dục đành bỏ thi nhảy cao và phóng ngựa! Hai đứa tôi nhìn nhau cười khoái trá trong khi các bạn khác không hiểu lý do vì sao lại xảy ra sự việc hư hao vậy.
     Đến mục chạy đua vòng quanh sân trường rất rộng. Bạn thân tôi lúc đó là anh Phạm văn Nẩm, hiện là vị giám mục phụ tá đức TGM Nguyễn văn Bình của địa phận SàiGòn. Bạn Nẩm lén ra lệnh với anh em: chạy phải về một lượt không ai được tới trước hoặc tới sau (ôi! chạy đua kiểu chi lạ?) Tôi cười mãi. Bạn Nẩm lại còn chạy bằng cách đưa hai tay song song ra trước (làm ai cũng phải cười). Đúng kế hoạch! Vui quá.
     Kỳ thi ấy, môn ấy, bạn PVN được I lớp bạn. Tôi I lớp tôi. Thầy thể dục ngày trước cũng là thầy lý hóa; bạn tôi luôn nhất lớp LH lớp bạn, còn tôi thì luôn nhất lớp LH lớp tôi. Chắc thầy tôi đã cho điểm thể dục theo điểm lý hóa!
     Đó, tôi nghịch rứa... chớ thật còn thua cô học trò bé bị ngổng rượt, dám đánh trống bãi trước 15 phút! Con hơn cha nhà có phúc... Trò hơn thầy, thì thầy càng hy vọng ở tương lai?... "
     Thầy là một người đặc sệt tình cảm lãng mạn. Khi thầy cô Nguyễn Hữu Thứ rời Huế qua Canada rồi, vài lần kèm trong bì thư gửi cho tôi còn có thư nhờ tôi chuyển sang cho thầy Thứ. Như các bạn từng mê nghe thầy Âu kể chuyện, tôi đã vô phép đọc trước thư của thầy Thứ. Thầy thường chống gậy (hai chân thầy yếu và thị lực quá kém) lang thang đi bộ tới ngõ nhà thầy Thứ để rồi ứa nước mắt vì nhớ bạn. Tôi như thấy hiện ra trước mắt hình ảnh một ông lão gầy yếu đang đứng lặng người trước ngôi vườn đìu hiu vì thay chủ. Hàng rào chè tàu mọc cao lộn xộn bởi thiếu bàn tay người thân chăm sóc. Ông lão thẩn thờ nuối tiếc thời gian bạn bè còn sum vầy, bên những chung trà nghi ngút thơm ngát và đậm hương bằng hữu họ đã hàn huyên tâm sự. Thế mà nay bạn hiền đã bỏ đi xa biền biệt phương trời nào, mình ông lão ở lại cô đơn nơi chốn cũ quạnh hiu. Ông lão với tay len qua bụi cây trước sân nhà bạn cũ để cố ngắt trộm một bông hoa tỉ muội trắng nở lặng lẽ trong chậu cũ rêu mốc. Cánh hoa trắng nhu mì ấy sẽ nằm ép mình giữa những trang nhật ký đã ố vàng vì năm tháng.
     ... Và trưa ngày mồng 06 tháng 07 năm 1994 tôi đã tìm đến thăm thầy. Con đường Lê Lợi phơi mình dưới cơn nắng hạ oi bức, chiếc xe xích lô ọp ẹp chở tôi dừng lại trước căn nhà nhỏ quen thân mang biển số 48 mà tôi vẫn thường ghé lại mỗi lần có dịp trở về Huế dấu yêu. Tôi hơi sựng lại vì sân trước ngổn ngang bao nhiêu là gổ đá và gạch vữa. Tim tôi nhíu lại, tôi sợ nhà đã đổi chủ chăng? Nhưng may thầy tôi vẫn còn nguyên vẹn ở đó. Khi bước vào nhà trong tôi thấy thầy đang ngồi sửng nơi bàn ăn kê giữa phòng, mắt đăm đăm nhìn về phía trước mặt. Tôi bước nhẹ nhàng tới đứng sát bên thầy, rầu rỉ thấy thầy đã quá già yếu mất rồi. Thầy không nhận ra ngay con bé "bị ngổng rượt" như những lần trước nữa rồi. Tôi phải xưng tên mình và thầy khẻ reo lên:
     - M.H. đó hả? Thầy chờ mãi cả tuần lễ nay mà không thấy M.H. ghé thăm thầy. Thầy cứ tưởng M.H. giận thầy luôn rồi đó!
     Tôi nén lòng không khóc. Tôi thiệt sự có lổi với thầy. Từ Cali vượt nửa vòng quả đất về lại nơi chôn nhau cắt rún, vài cô giáo và bạn bè Đ.K. của tôi bên ấy đã góp nhau chút quà tượng trưng nhờ tôi đem cho thầy, thay tụi hắn hỏi han sức khỏe thầy và xin thầy thứ lổi cho cả bọn vì hoàn cảnh vì sinh kế nên đã vắng thư cho thầy. Vậy mà tôi đã cứng lòng, tôi lì lợm không tới thăm thầy ngay khi đến Huế vì ... còn giận thầy, tôi đã nhờ một bạn Đ.K. đem quà tới thay tôi. Cũng như hơn nửa năm trước tôi đã không chịu viết thư dài dòng nữa để kể chuyện "trên trời dưới đất ở Mỹ" mà thầy vẫn quen nói với tôi; chỉ vì tôi đã giận thầy. Lâu rồi thầy đã la tôi ưa "say rượu" khi viết thư; chỉ vì tôi đã lếu láo chưởi VC một cách không kín đáo. Tôi đã thù ghét bọn người ác nhơn thất đức thấu xương tủy nên hể cứ nhắc tới là tôi lại "say rượu". Tính cách ấy của tôi, thầy nói sợ sẽ vô tình gây lụy cho những người thân còn ở lại chăng?
     Rứa là về thấu Huế tôi đã đi khắp nơi, còn ra tận Hà Nội, ra đảo Cát Bà của vịnh Hạ Long. Mãi tới hôm sắp sửa quay trở vô Nam để bay về Mỹ tôi mới đến thăm thầy. Thầy không cho tôi uống nước rót từ chai nước lọc để sẳn nơi bàn mà gọi người con dâu lấy nước khác cho tôi. Cô dâu hiền lành ấy đã nói nhỏ cho tôi biết thầy cẩn thận vì muốn giử gìn sức khỏe cho khách. Thì ra thầy bị trở lại bệnh phổi! Hai thầy trò tâm sự một hồi lâu thì cô từ nhà sau "chập chửng" từng bước "nhảy ra". Thầy nhìn cô âu yếm rồi phân trần với tôi:
     - M.H. xem nhà tôi lúc này giỏi chưa? Đã có thể tự di chuyển một mình khắp nơi trong nhà mà không phiền đến ai!
     Rồi thầy buồn bã hạ giọng:
     - Chưa kịp lành mạnh hẳn hoi, chừ bà ấy lại khổ vì phải săn sóc tôi!
     Hai năm trước tôi được thư thầy kể chuyện cô bị liệt nằm một chổ. Thầy đã trở thành y tá đặc biệt ngày đêm chăm nom cho cô. Từ việc bón cơm nước cho cô đến việc lo vệ sinh tế nhị nhất đều do thầy một tay vui vẻ đảm trách. Dạo đó thầy bỏ việc đi bộ vốn là một môn giải trí lành mạnh mà không gây tốn kém chút nào cho ngân sách gia đình để dành thời gian ngồi bên cô, chọn sách vui đọc cho cô nghe. Thầy còn kiên nhẫn tập vật lý trị liệu cho cô để cô có thể mau chóng bình phục. Có thư thầy khoe với tôi "Nhà tôi đã cười to thành tiếng được rồi khi tôi đọc cho nghe mấy đoạn thư M.H. kể chuyện tiếu lâm bên ấy".
     Hôm thăm thầy lần cuối trong đời có lúc thầy dòm quanh phòng rồi biểu tôi lấy 2 cặp kính mà cặp nào mắt kiếng cũng dày như đáy ve chai đưa cho thầy. Thầy cầm lấy rồi tròng chúng lên nhau và đeo tất cả lên mắt. Xong thầy chỉ cho tôi mấy bức tranh treo trên vách; một bức sơn dầu tỉnh vật do con bé Nhã Uyển của tôi vẻ tặng "ông thầy" trước lúc mấy mẹ con tôi rời VN. Tranh đã xuống màu và nét vẻ còn thơ dại. Bức kia là tranh màu nước, họa sĩ là cụ Hồ đắc Định diễn tả một con cá đang từ dưới nước bay lên không như muốn đớp lấy ánh trăng sáng vằng vặc nhưng cuối cùng nó đã thất vọng thả mình rớt xuống trở lại dòng nước đen tối như cuộc đời thầm lặng của nó. Tôi sực nhớ lại đây chính là bức tranh mà thầy tâm đắc nhất và có lần thầy gợi ý để tôi vẻ lại.
     Khi tôi hôn từ giã thầy cô, thầy vừa cong đầu ngón tay gỏ nhẹ mấy cái lên đầu tôi vừa dặn nhỏ sát vào tai tôi "M.H. nhớ đừng có say rượu nhất là khi còn ở đất nước này"...
     Khi tôi trở lại San Jose việc trước nhất phải làm là lo tới tấp gọi phone đường dài cho bạn bè; kể lể tình hình về các người thân ở bên nhà. Tôi cho chị Q.Hương biết sức khỏe đáng ngại của thầy Âu nên chị đã tức khắc gửi quà đặc biệt của Phượng Vỹ về cho thầy và chưa đầy một tháng sau thì tôi được tin thầy qua đời. Từ Nam Cali Bích Diễm và Nhã Ca lo tập họp danh sách học trò Đ.K. lứa chúng tôi để đăng báo phân ưu. Ở Bắc Cali Bản tin số 5 của Hội AH/QHĐK kịp thời loan báo tin thầy tạ thế. Cuối tháng 10/1994 cựu học sinh ĐK ở San Jose đại diện các bạn ở Nam Cali, Texas, Virginia, Philadelphia và Canada kẻ ít người nhiều góp nhau gửi về Huế cho cô Mỹ Đàn tức Phạm Kiêm Âu phu nhân một số tiền với mục đích xin cô cho phép học trò hải ngoại của thầy được lập mộ bia ghi ơn thầy
     Khi những dòng hồi ký về thầy kính yêu này đến tay các bạn chắc chắn đúng vào dịp Tết Ất Hợi, tôi mong các bạn hãy cùng tôi trong một phút giây tưởng niệm; hãy hướng lòng mình về quê hương Việt nam, về với Huế muôn đời yêu dấu. Chúng mình dù có bị không gian vời vợi ngăn cách với Quê Nhà, và dù thời gian đã nhuộm bạc mái tóc thề óng ả của ngày xưa nhiều lưu luyến; tôi vẫn đoan quyết rằng trái tim chúng mình mãi mãi nhịp thổn thức nỗi nhớ khôn nguôi về mái trường ĐK thân thương. Vì nơi ấy chúng mình đã từng được hồn nhiên sống đời học trò sung sướng vô tư bên nhau. Chúng mình đã trưởng thành hẳn hoi dưới sự dạy dỗ ân cần và chu đáo của các thầy cô kính mến. Trong đó một vị thầy khả kính vừa nằm xuống mà chúng mình đang cùng nhau nhắc nhở đến hôm nay:  Thầy Phạm Kiêm Âu.
Phan Mộng Hoàn
viết xong ngày 31/12/1994 tại San Jose.